Ý nghĩa câu trà tam rượu tứ

Trà tam tửu tứ và ý nghĩa thực sự

Câu nói quen thuộc khi người Việt chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày “Trà tam tửu tứ” hay “Trà tam rượu tứ” có nghĩa đơn giản là khi uống trà tốt nhất có ba người, uống rượu bốn người?. Hay bên cạnh đó còn ý ẩn sâu gì không?. Trong bài viết này tác giả xin chia sẻ một số quan điểm về câu tục ngữ này

Ý nghĩa câu trà tam rượu tứ

Trà tam rượu tứ chỉ số người ?

Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải thừa nhận nhiều giá trị văn hóa, trong đó có những câu tục ngữ của cổ nhân đang dần biến mất. Hoặc ý nghĩa sâu xa của chúng đang bị thay thế bằng những nghĩa đơn giản. Ví dụ như câu trà tam rượu tứ được dùng như một cách nói vui vẻ khi mọi người gặp mặt. Và ý nghĩa của câu tục ngữ đơn giản được nhiều người hiểu rằng chỉ số lượng.

Trà tam rượu tứ chỉ những yếu tố cấu thành một bàn trà và rượu cần phải có ?

Có lẽ lý do tôi viết bài này cũng là do được khai sáng bởi một người anh, nói đúng hơn là một người chú làm cùng. Một người đàn ông có kiến thức rộng và uyên thâm. Cởi mở và luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức với người khác. Có lẽ do cùng tần số, thích chia sẻ và thân thiện chăng mà tôi với anh hay ngồi trò chuyện cùng nhau.

Trong một buổi uống trà, anh ấy bỗng hỏi tôi: ” Này A.QV, em có biết Trà tam rượu tứ nghĩa là gì không?”

Tôi cũng ngẩn ra trong giây lát, chưa kịp giả lời thì anh ấy đã bắt đầu chia sẻ “Trà tam rượu tứ không phải như nghĩa các ông nói uống trà với 3 người còn uống rượu 4 người là vui đâu”

Tôi hỏi “Vậy có nghĩa là gì vậy anh?”

Anh ấy cầm chén trà với vẻ đắc ý rồi bắt đầu diễn giải “Trà tam có nghĩa là khi uống trà cần quan tâm ba yếu tố Uống trà gì? Uống ở đâu? và Uống với ai ?. Ví dụ khi mời em sang uống trà anh nói Anh đang có ấm trà ngon, có anh T, mời chú sang uống. Vậy Trà ngon nếu uống gần bãi rãi liệu có cảm nhận được hết. Hay Trà ngon, chú ngồi trong không gian đẹp, nhưng anh T hay chính anh là người chú ghét thì có vui không?”

Tôi tán thành “hay đấy anh, vậy mà lâu nay em không để ý. Vậy còn rượu tứ là gì ?”

Anh ấy vui vẻ trả lời ” Thêm yếu tố là mồi/món ăn ngon nữa. ha ha..”

Một góc nhìn mới về câu tục ngữ, tôi thấy ý của ông anh cũng có lý phết. Nhưng khi tìm trên google ý nghĩa của câu Trà tam rượu tứ tôi lại một lần nữa phân vân. Vì có một ý nghĩa mới khá thâm sâu trong câu tục ngữ này ?

Trà tam rượu tứ và lời khuyên của cổ nhân

Trà tam

Uống trà đến ba ly, ba chén là vừa đủ. Pha trà đến ba lần là đã lấy hết hương vị trà rồi. Do đó người xưa rót trà mời khách hoặc rót để cúng chỉ rót ba lần mà thôi, thế mới gọi là “trà tam – tửu tứ”.

Xét theo triết lý âm dương, rượu là thứ nước do người phương Tây phát minh, trà là thứ nước do người phương Đông phát hiện; phương Tây ở về phía Bắc, thuộc dương là số chẵn, phương Đông ở về phía Nam, thuộc âm là số lẻ. Có ba người là đủ luận anh hùng. Uống trà là thưởng trà, là để tận hưởng hương vị, để đàm luận văn chương, thế sự. Rượu có thể uống ừng ực cả ly, cả bình; nhưng trà mà uống vậy thì bị coi là ngưu ẩm- chỉ phí trà mà thôi.

Bên cạnh đó, câu nói “vô tam bất thành lễ” là quan niệm của người xưa. Họ tin rằng trong mọi việc đòi hỏi sự chu toàn thì phải có ba. Chẳng hạn, khi cúng tế, không thể thiếu lễ trời, đất, thần linh; Lưu Bị cũng phải ba lần đến thăm ngôi nhà tranh bày tỏ lòng thành mới mời được Khổng Minh ra khỏi núi…

Lão Tử cũng từng đề cập trong “Đạo Đức Kinh” rằng “Đạo sinh ra một, một sinh hai, hai sinh ra ba”. Có thể thấy rằng số “ba” là một con số rất thú vị trong văn hóa truyền thống.

Là một trong những trà đạo tiêu biểu nhất tại vùng Triều Sơn, Trung Quốc. Không chỉ là công phu, trà cũng có rất nhiều nghi lễ, tất cả đều ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc và hàm ý đặc biệt.

Ví dụ, khi dùng trà, không nên có quá nhiều người, hai hoặc ba người là đủ, để bạn có thể duy trì không khí yên tĩnh và thưởng thức trà một cách cẩn thận. Nếu có nhiều người uống trà, thường chỉ đặt ba tách. Khi rót trà, ba tách trà sẽ gần nhau tạo thành một bộ ba của chữ “品 – pǐn”, có nghĩa là mọi người nên nhấn mạnh phẩm hạnh, tính cách. Và nên tránh để những chén trà xếp thành hàng, nếu không sẽ tạo cho người ta cảm giác thờ cúng.

Và vì trà để “thưởng thức” nên phải chia thành ba ngụm: một hớp, hai hớp, và ba hớp. Ba chén lần lượt được cất lên, một mặt phản ánh sự dung hòa của văn hóa trà, đồng thời cũng phản ánh tinh thần khiêm tốn kính trọng người cao tuổi, bậc hiền đức từ lâu đời. Và câu nói này được sinh ra ở vùng Triều Sơn đã được lưu truyền ít nhất hàng ngàn năm: ” Trà tam, tửu tứ”

Tửu tứ

“Rượu tứ” có thể hiểu uống rượu không nên uống quá 4, vì sẽ làm người ta say, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nếu uống trong định mức đó thì ngon và có lợi cho sức khỏe, còn uống quá số lượng đó là thừa, mất ngon và kết quả là rất khó lường.

Cũng có thể hiểu uống trà là thưởng trà, là để tận hưởng hương vị, để đàm luận văn chương, thế sự, nên chỉ cần 3 người là đủ. Còn uống rượu là để có thể đàm tiếu, chuyện trò với nhau, nên đông người hơn.

Số “bốn” cũng là một con số rất đặc biệt trong văn hóa truyền thống: ví như vị trí được chia thành: “đông, tây nam, bắc”; mùa chia thành “xuân, hạ, thu, đông”; loài hoa miêu tả sự kiên cường trong giá lạnh thì có “ tùng, cúc, trúc mai”… “Bốn” thực sự có nghĩa là cân bằng và có đi có lại thích hợp.

Tương đối với yên tĩnh uống trà, uống rượu càng sôi nổi càng tốt, nhưng không phải là càng nhiều người càng tốt, bởi vì quá nhiều người sẽ dễ dàng dẫn đến hỗn loạn…

Như vậy, nói “trà tam tửu tứ” cũng có ý muốn nói uống trà không nên quá 3 người, mới thưởng thức hết cái thú vị của nó. Còn uống rượu phải từ 4 người trở lên mới vui, mới náo nhiệt. Hoặc có cách hiểu khác như “Trà tam tuần – Rượu tứ bôi” – Trà 3 lần châm nước là bỏ – Rượu uống 4 chén (ly) là dừng.

Tất nhiên, văn hóa thưởng trà của các vùng miền cũng sẽ khác nhau đôi chút, ví dụ như ở một số vùng, khi pha trà và chia trà luôn cố tình để một chén rỗng, đây là cảnh khiêm tốn của chủ nhà, yêu cầu khách và thế hệ trẻ tôn trọng người lớn tuổi, đây cũng là văn hóa trà.

Câu nói “trà tam rượu tứ đá đào nhị” cũng đã diễn giải một cách sinh động phong tục dân gian, cũng như bao quan niệm văn hóa truyền thống tao nhã, đẹp đẽ, có thể thấy được nét đặc sắc của một dân tộc.

Trà tam rượu tứ theo A.QV

Vậy là một câu nói vui vui hàng ngày lại có thể chứa đựng những ý nghĩa khác nhau. Nhưng A.QV chợt nghĩ, cuối cùng nhân sinh là gì?. Tất cả phụ thuộc vào con người mà ra. Nếu tâm hồn ta hòa với tự nhiên, khiêm nhường thấu hiểu con người, vượt qua ngoại cảnh để an vui thì số lượng hay những khái niệm phức tạp kia đâu bó buộc được với ta. Uống trà một mình, cũng vẫn vui cơ mà. Đâu phải uống 4 người hay bốn chén mới đúng. Gặp đúng người uống không biết bao là đủ, sai người một chén cũng đâu vui vẻ gi?

Còn anh chị thấy câu Trà tam rượu tứ có nghĩa gì? Hãy để lại chút tâm sự cho A.QV nhé. Chúc anh chị và gia đình luôn may mắn bình an.

Tham khảo: Secretchina

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *